Nghề làm tương Bần - đặc sản xứ Hưng Yên

19:37 |

Nghề làm tương Bần - đặc sản xứ Hưng Yên

Ai từng đến Hưng Yên và ghé qua thị trấn Bần Yên Nhân, huyện Mỹ Hào sẽ không thể cầm lòng mà dừng lại trước những hiệu bán tương - một đặc sản nổi tiếng khắp trong Nam ngoài Bắc để mua vài ba lít về làm quà.

Từ xa xưa tương Bần là thứ sản vật ngon dùng để tiến vua. Ngày nay, tương Bần vẫn nổi tiếng khắp nơi và trở thành một loại nước chấm đặc sản khiến nhiều người “mê mẩn”.

Nguyên liệu làm tương Bần không khó kiếm nhưng công đoạn làm tương cực kỳ công phu và mất thời gian. Hơn nữa, để có những bát tương vàng ươm, thơm nức và ngọt đòi hỏi kỹ thuật, kinh nghiệm rất nhiều từ bàn tay của người thợ và “bí quyết” của từng gia đình. Phải mất ít nhất một đến hai tháng người thợ mới cho ra được một mẻ tương Bần. Tuy nhiên, thời gian lâu hay nhanh còn tùy thuộc vào thời tiết có nắng hay không.

Chỉ cần gạo nếp cái hoa vàng, đỗ tương và muối là đã có thể làm tương. Ba công đoạn chính là lên mốc xôi nếp, ngả đỗ và phơi tương (ủ tương).
Nghề làm tương Bần - đặc sản xứ Hưng Yên
Giai đoạn ủ tương
Tương bần trong các chum được phơi nắng ít nhất một tháng cho ngấu.
Trước tiên, nếp đem ngâm rồi nấu chín thành xôi. Xới xôi ra nong, nia và để 2 ngày 2 đêm cho xôi lên mốc vàng. Nhiều nhà còn cẩn thận ủ với lá nhãn để mốc dậy mùi hơn.

Đỗ tương đem rang vàng. Trước đây người thợ thường rang thủ công, khi rang trộn lẫn với cát để đỗ vàng, thơm và giòn hơn nhưng ngày nay người dân thường rang đỗ bằng lò bánh mì để tăng hiệu quả. Đỗ tương rang xong thì đem xay nhỏ và ngâm trong chum sành với nước từ 7 đến 10 ngày (ngả đỗ) để đỗ lên màu vàng đỏ.

Sau 2 ngày 2 đêm, khi xôi nếp lên mốc thì đem ra xoa cho các hạt xôi tơi. Dùng nước đỗ ngâm trong chum sành tưới lên mốc và trộn thật đều rồi để tiếp 1 ngày 1 đêm nữa cho xôi lên mốc vàng. Tiếp đó cho mốc vào chum đỗ đã ngả cùng muối tinh với lượng phù hợp và khuấy đều rồi phơi ngoài trời nắng.
Nắng là một phần quan trọng quyết định đến chất lượng của tương.

Chị Hương, một người làm tương ở làng Bần cho biết: “Nắng càng to thì tương càng vàng, càng sánh và tương sẽ nhanh ngấu hơn. Nắng yếu màu tương sẽ xỉn, ít có mùi thơm và lâu ngấu”. Cũng chính vì thế mà người làng Bần thường làm tương nhiều vào mùa hè và thu để tương được “đã nắng”.
Nghề làm tương Bần - đặc sản xứ Hưng Yên
Tương ngon có màu vàng như mật ong
Tương được phơi nắng trong vòng ít nhất 1 tháng. Trong thời gian này, tương phải luôn được theo dõi và “chăm sóc” cẩn thận. Hàng ngày, người ta phải mở nắp chum, khuấy đều và cho thêm nước vào tương, trời nắng thì phơi, trời mưa thì phủ kín miệng bằng nylon để nước mưa không lọt vào tương, tương sẽ bị ủng.

Phơi tương cho tới khi nếm thử thấy nước tương ngọt đậm đà, sánh, hạt xôi mềm, màu tương vàng sậm như màu mật ong là tương đã ngấu. Lúc này có thể đóng chai và đem bán. Thông thường mất khoảng 1-2 tháng.

Tương Bần đã “hớp hồn” không biết bao thực khách trong Nam, ngoài Bắc và cũng trở thành một món ăn đặc sản của người Hà Thành: “Dưa La, húng Láng, nem Báng, tương Bần”.

Vì thế nó là thứ nước chấm ngon không thể thiếu khi ăn bánh đúc, bánh tẻ, chấm rau muống, cà muối, thịt luộc… vào những ngày hè nóng nực. Tương còn dùng để chế biến nhiều món ăn như tóp kho tương, kho cá… hay rim đậu, thịt cho những ngày mùa đông se lạnh.

Nghề làm tương Bần - đặc sản xứ Hưng Yên
Tương đã hoàn thiện được mang ra bán

Tương Bần đã trở thành đặc sản đi khắp trong Nam ngoài Bắc.

Tương có vị ngọt thơm của đỗ tương, gạo nếp, vị đậm đà của muối và sắc vàng bắt mắt. Khi ăn có cảm giác béo ngậy, thơm lừng. Tương Bần đã trở thành niềm tự hào của người Hưng Yên và đã đi vào ca dao một cách tự nhiên cho tới bây giờ:
                                                             
                                                                                                              ~~ Ẩm thực Hưng Yên~~


Read more…

Bún thang lươn - canh cá rô

02:54 |
BÚN THANG LƯƠN - CANH CÁ RÔ

Hưng Yên từng được mệnh danh là "thiên đường" đằng ngoài ở khoảng thế kỉ thứ 17, 18. Về thăm mảnh đất này, không ai là không biết tới hai đặc sản nổi tiếng: bún thang lươn và canh cá rô đồng.

"Thứ nhất kinh kì, thứ nhì Phố Hiến" - chẳng phải ngẫu nhiên mà người ta phong cho Hưng Yên cái tên như vậy. Với những người Hưng Yên xa xứ, bún thang lươn - món ăn mang đậm hương vị của đồng quê Hưng Yên vốn là món ăn nhiều nhớ thương. Món bún thang lươn Hưng Yên chẳng kén người ăn, thích hợp với mọi đối tượng và là thức quà sáng thân thiết của nhiều người.

Khi khách bắt đầu gọi món, người bán hàng mới thoăn thoắt trần bún, đổ lươn, thêm một chút gia giảm rồi chan nước dùng được nấu theo bí quyết riêng của từng nhà hàng để các thực khách có món bún thang nóng hổi để thưởng thức.

Bún thang lươn - canh cá rô
Các nguyên liệu làm 
Chất ngon ngọt của nước dùng bún thang đến từ cua đồng ninh nguyên con cùng xương ống. Sở dĩ bún gọi là bún thang lươn bởi ngoài lươn, tô bún còn có nhiều thành phần giống như bún thang bao gồm giò lụa, trứng... Giò phải là thứ giòn không hàn the; trứng là trứng tráng thật khéo thật mỏng để gặp nước cũng không bị nát mà phải dai. Ngoài ra, bún thang lươn còn có thịt lơn, có quán dùng thịt lợn luộc thái chỉ, có quán cầu kì hơn đem thịt đi chiên giòn, cắn vào thơm bùi ngon miệng.

Bún thang lươn - canh cá rô
Bát bún thang ngon tuyệt
Nếu bún thang Hà Nội không dùng kèm rau sống bởi rau sống làm bát bún chóng nguội thì bún thang Hưng Yên nhất thiết phải có rau sống đi kèm để bớt đi cảm giác béo ngậy của thịt lươn và thịt mỡ. Đặc biệt nhất vẫn phải là lươn. Lươn phải chọn lươn tươi, ngon, thui qua rồi mới mổ. Cách làm này khiến lươn không bị mất máu nên thịt ngọt và ngon hơn. Cùng với chút mắm tôm đưa hương thoang thoảng, bún thang lươn Hưng Yên là món mà chỉ một lần thưởng thức là còn phải nhớ mãi về sau.

Bún thang lươn - canh cá rô
Bún thang lươn kèm rau sống
Bên cạnh bún thang lươn, người Hưng Yên còn tự hào bởi đặc sản canh cá rô, một món ăn đậm chất hương đồng gió nội khác của mảnh đất trù phú. Canh cá rô Hưng Yên là canh cá ngọt, được ăn cùng rau cải trần. Cá được chế biến từ những con cá rô nhỏ. Dù cá nhỏ nhưng người làm sau khi nấu chín vẫn phải tỉ mỉ gỡ xương từng con, rồi lọc sạch sẽ, tẩm ướp gia vị cẩn thận, kế đó mới đem chao dầu cho săn thịt lại, óng vàng sắc nghệ. Cá rô đồng đã nổi tiếng thơm ngon, cách chế biến lại kì công như vậy nên càng ngọt thịt, đậm đà.

Bún thang lươn - canh cá rô
Nguyên liệu làm canh cá rô
Cá rô đồng loại nhỏ, được tỉ mẩn gỡ sạch xương rồi đem xào sơ qua cho săn thịt.
Canh cá rô được ăn cùng bánh đa Hưng Yên chính hiệu. Những sợi bánh đa được chan ngập loại nước dùng nấu bằng cá rô, hơi sẫm màu, lăn tăn những hạt trứng cá vàng ươm - cái màu không thể lẫn được của món canh cá rô miền Bắc. Canh cá rô cũng có thể ăn kèm đậu phụ rán. Đậu phụ chiên nóng vàng rộm, ăn kèm bát canh cũng nóng hôi hổi, còn xực nức mùi cá và cái hăng nồng của cải ngọt thật ngon khó cưỡng.


Bún thang lươn - canh cá rô
Canh cá rô ngon khó cưỡng
Nếu có dịp về Hưng Yên, muốn thưởng thức thử một lần hai món đặc sản này bạn có thể tới phố Trần Quốc Toản, Điện Biên 3, Nguyễn Công Hoan (bún thang lươn) hoặc đường Lê Lai, Chu Mạnh Trinh, Nguyễn Văn Linh (canh cá rô đồng).
Read more…

Thưởng thức bưởi Diễn - Khoái Châu

02:12 |

Thưởng thức bưởi Diễn - Khoái Châu


        Về vùng đất Khoái Châu - Hưng Yên du khách sẽ tìm được cho mình không gian yên bình của một vùng quê đầy thương nhớ. Nơi đây không chỉ có những con người thật thà chất phác, giản dị mà còn rất mến khách. Nếu đã một lần đặt chân đến đây du khách sẽ không thể quên các di tich nổi tiếng như: đền Đa Hòa - Dạ Trạch, Nhà thờ bà Hoàng Thị Loan - thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh... và ngỡ ngàng trước cảnh đẹp của các vườn cây, hoa trái trĩu quả như: Cam đường canh, chuối tiêu hồng, nhãn Miền... Đặc biệt Bưởi Diễn, Khoái Châu là một đặc sản nức tiếng ngon.

Bác nông dân chăm sóc bưởi Diễn

          Bưởi Diễn là thứ quả nổi tiếng xuất xứ tại Phú Diễn, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Giống bưởi này đã được người dân huyện Khoái Châu đưa về trồng, áp dụng các kỹ thuật chăm sóc và đạt kết quả cao về chất lượng, sản lượng. Là một vùng quê được ưu ái bởi phù sa sông Hồng nên các thứ hoa quả nơi đây đều thơm ngon đến lạ.

          Đến Khoái Châu vào mùa xuân du khách sẽ được chủ vườn hướng dẫn cách trồng, chăm sóc bưởi và đưa đi thăm quan những vườn bưởi Diễn rộng, được tận mắt chiêm ngưỡng, tận tay hái quả và thưởng thức những trái bưởi thơm ngon nhất. Khi đã đặt chân tới đây không một du khách nào có thể cưỡng lại mùi vị thơm ngọt của thứ quả này.

Bưởi ngon
          Bưởi Diễn là loại quả đặc sản luôn được du khách lựa chọn mua về làm quà  biếu cho gia đình, người thân, làm cây cảnh hay đặt lên mâm ngũ quả vào ngày tết. Cây bưởi Diễn lá nhỏ, ít gai hơn cây bưởi thường, chiều cao cây trưởng thành cao khoảng 4m. Hoa của bưởi Diễn có màu trắng, rất thơm, bưởi chín có lớp vỏ mỏng màu vàng ươm có mùi thơm thoang thoảng. Bên trong những tép bưởi mọng nước và có vị ngọt thanh mát không kén người thưởng thức. Bưởi ngon là những trái bưởi không quá to, vỏ trái bưởi không bị sần và lớp lụa có màu vàng óng đẹp mắt. Đặc điểm của bưởi Diễn là để được lâu từ 3 đến 4 tháng, quả càng để lâu thưởng thức càng ngon ngọt.

        * Ưu điểm nổi trội của bưởi Diễn:

  •           Là loại quả sạch, an toàn do không dùng hóa chất phun trồng cũng như bảo quản 
  •           Có thể bảo quản trong một thời gian dài mà không sợ hư hỏng( từ 4 đến 5 tháng mùa đông) 
  •           Ăn bưởi Diễn giúp phụ nữ có làn da đẹp do được bổ sung lượng vitamin C và đường hoàn toàn tự               nhiên. 
  •           Là loại hoa quả ngọt cung cấp đường hoàn toàn tự nhiên nên rất thích hợp cho các bé ăn.
  •          Là loại quả thích hợp mời bạn bè dịp tết cũng như là món quà ý nghĩa dành tặng cho người thân dịp            tết cổ truyền.

    Bưởi Diễn ở Khoái Châu đã trở thành thứ quả đặc sản thơm ngon, nổi tiếng. Đến đây du khách sẽ được tận hưởng không gian xanh, trong lành và được khám phá vùng đất của các thứ hoa quả mang đậm tình người, tình quê hương.



Read more…

Du lịch sông Hồng

01:40 |
DU LỊCH SÔNG HỒNG

Sông Hồng là con sông rất riêng của Hà Nội, của đất mẹ Việt Nam. Con sông ấy chẳng những bồi đắp nên nền văn minh sông Hồng – một trong 36 nền văn minh của thế giới mà còn là hệ thống sông lớn nhất miền Bắc nước ta, lớn thứ 2 trên bán đảo Đông Dương.
Sông Hồng

Du ngoạn trên sông Hồng, du khách sẽ có những cảm giác mới lại, thú vị, được hoà mình vào cảnh quan sông nước hữu tình, chiêm ngưỡng vẻ đẹp cổ kính của các ngôi đền chùa ven sông, tham quan cuộc sống cư dân, thăm lại Phố Hiến xưa thương cảng một thời.“ Thứ nhất Kinh Kì thứ nhì Phố Hiến”

Sông Hồng đã chứng kiến bao nhiêu sự kiện lịch sử đi vào ký ức cuả người dân Việt Nam. Trong các cuộc kháng chiến giữ nước chống giặc ngoại xâm, sông Hồng vẫn là tấm gương trung thành phản chiếu những hy sinh và kỳ tích của người dân Việt Nam.
HÀ NỘI- PHỐ HIẾN- ĐỀN CHỬ ĐỒNG TỬ- HÀ NỘI
5h30:  Đón khách tại bến Chương Dương Độ
6h00:  Tàu rời bến đưa quý khách xuôi dòng sông Hồng. Quý khách hoà lòng mình vào với sóng nước mênh mông. Ngắm nhìn những cảnh tượng đẹp hai bên bờ sông mà tạo hoá đã ban cho chúng ta. Chiêm ngưỡng vẻ đẹp cổ kính của các ngôi đền, chùa ven sông.
10h30: Quý khách ăn trưa trên tàu du lịch.
11h30: Ô tô đón tại bến Yên Lệnh đưa Quý khách đi thăm quan TP. Hưng Yên.
12h00: Xe đưa quý khách đi thăm quan Chùa Chuông.
Một ngôi chùa cổ kính, nằm trong quần thể di tích Phố Hiến và đuợc mệnh danh là “ Phố Hiến đệ nhất danh thắng”
Du khách xuôi theo đường Bãi Sậy về phía nam, nằm phía bên tay trái là Đền Trần, nơi đây thờ Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, một danh tướng ở thế kỷ XIII. Danh hiệu của ông không chỉ đuợc tôn vinh trong lịch sử dân tộc mà còn đuợc ghi nhiều từ điển nhân vật lịch sử của nhân loại.
Cách Đền Trần 100m là Đền Mẫu nằm uy nghi soi bóng xuống mặt guơng phẳng lặng của Hồ Bán Nguyệt, di tích Đền Mẫu, được coi là một trong những danh thắng đẹp của Phố Hiến.
Đền Thiên Hậu là nơi thờ bà Lâm Tức Mặc, một vị thần có lòng nhân đức cứu giúp dân lành, đặc biệt là nghề đi biển.
14h00: Xe đưa quý khách đi thăm đền Chử Đồng Tử (Khoái Châu – Hưng Yên)
Du khách dừng chân trên bãi cát Tự Nhiên, mênh mông giữa trời mây sông nước hẳn không quên được mối tình nên thơ giữa chàng trai nghèo Chử Đồng Tử và nàng Tiên Dung công chúa. Chính dòng sông bến nước này là nơi lưu truyền và lan toả về mối tình mãnh liệt ấy.
14h30: Du khách lễ thánh tại đền Chủ Đồng Tử
15h00: Quý khách xuống tàu về Hà Nội. Kết thúc chuyến thăm quan.

Read more…

Nhãn lồng Phố Hiến

19:14 |

Nhãn lồng Phố Hiến



Nhãn lồng trái to,cùi dày,ngon ngọt

Nhãn là quà tặng của trời cho đất Phố Hiến. Kỳ lạ thay, cũng là đát bãi sông Hồng mà chỉ có nhãn Phố Hiến mới được coi là vua của loài nhãn. Nhà bác học Lê Quý Đôn đã từng mô tả: “Mỗi lần bỏ vào miệng thì tận trong răng lưỡi đã nảy ra vị thơm tựa như nước thánh trời cho”. Những yếu tố vi lượng nào đã làm cho nhãn có hương vị đặc biệt khác hẳn cây nhãn ở những vùng đất khác? Chưa ai khám phá ra điều bí ẩn đó nhưng mời bạn thử đến Phố Hiến vào mùa nhãn nếm thử. Cùi nhãn trong như hổ phách, hạt nhỏ, nước ngọt mát và thơm lạ lùng. Ấy là thứ nhãn nước, loại nhãn đại trà của xứ nhãn, ở đây còn có nhãn lồng, nhãn đường phèn mới thực quý.
Nhãn được trồng nhiều ở ven đê từ Đằng Châu, Xích Đằng đến cửa Luộc. Rễ nhãn bám chắc vào đất. Gỗ nhãn rắn chắc,  đóng đồ gia dụng bền chắc. Than đốt rất đượm,nếu dùng để sắc thuốc thì nhanh có nước cốt, chất thuốc không lạc vị. Nếu trời đất âm u kéo dài, hoa rụng đầy sân. Vào ngày trời trong, nắng ấm thì cả bầu trời dậy lên tiếng ong, hương thơm toả nhẹ ngây ngất lòng người. Mùa quả chín vào tháng sáu âm lịch. Ca dao có câu “Tháng sáu buôn nhãn bán trăm”. Một túm nhãn khoảng trăm quả,  kèm thêm vài cành lá tươi đặt trên ban thờ, thắp nén hương khấn ông bà ông cải về chứng giám cũng là một nét đẹp văn hoá. Nhãn thóc chỉ dùng cho trẻ ăn chơi, nhãn nước sấy khô làm long nhãn, còn nhãn lồng quả to, da láng, cùi dày, ròn thơm để tiếp khách, làm quà biếu. Ăn một quả nhãn đường phèn, nước ngọt thấm từ đầu lưỡi đến chân răng rồi lan khắp cơ thể. Tinh hoa của đất trời thu góp lại hiến dâng cho người trồng . Quả nhãn phơi khô cả cành, ngày tết thêm mấy cành lá xanh sẽ là niềm vui bất ngờ cho người chơi sành điệu. Long nhãn là vị thuốc bổ âm, ngâm với rượu, mỗi ngày uống một vài chén, sẽ ăn ngon hơn, ngủ sâu hơn, tính tình điềm đạm hơn. Được mùa nhãn, cả tỉnh thu ước từ 150 - 200 tỷ đồng. Vùng thị xã và vùng phụ cận có nhiều gia đình lập trang trại, trồng toàn nhãn ghép và nhãn triết giống quả. Một cây nhãn trúng vụ cho chủ  vài ba triệu đồng. Nhiều nhà dùng nhãn làm của hồi môn hoặc lương hưu dưỡng già.
Khách về Hưng Yên, thường đến thăm cây nhãn tiến (thường quen gọi nhãn Tổ), có tuổi mấy trăm năm ở trước cửa chùa Hiến.
Read more…

Thông tin

19:11 |
Điều kiện tự nhiên


Hưng Yên là tỉnh nằm ở trung tâm đồng bằng Bắc bộ, phía bắc giáp Bắc Ninh, phía đông giáp Hải Dương, phía đông nam giáp Thái Bình, phía tây và tây bắc giáp Hà Tây và Hà Nội, phía nam và tây nam giáp Hà Nam.

Địa hình của tỉnh tương đối bằng phẳng. Khí hậu nhiệt đới gió mùa, chia làm hai mùa, mùa nóng và mùa lạnh. Nhiệt độ trung bình năm khoảng 23ºC.

Tiềm năng phát triển kinh tế và du lịch



Hưng Yên có di tích Phố Hiến, là một thương cảng sầm uất từ thế kỷ 17. Nhiều di tích lịch sử, văn hoá độc đáo như chùa Kim Chung, đình Nam Hiến... đặc biệt có nhãn lồng là loại cây đặc sản nổi          tiếng, từng được là loại quả quý để tiến vua.

Giao thông

Thị xã Hưng Yên cách Hà Nội 60km. Giao thông đường bộ, đường thuỷ, đường sắt đều thuận lợi. Hưng Yên nằm trên trục đường sắt và quốc lộ 5: Hà Nội – Hưng Yên – Hải Dương – Hải Phòng. Có quốc lộ 39 nối từ quốc lộ 5 tại huyện Mỹ Hào tới Tx. Hưng Yên và tới Thái Bình. Có quốc lộ 38 qua Hải Dương và tới Bắc Ninh.

Theo www.vietnamtourism.com

Read more…

Văn miếu Xích Đằng – biểu tượng tinh thần hiếu học của người Hưng Yên

19:04 |

Văn miếu Xích Đằng – biểu tượng tinh thần hiếu học của người Hưng Yên

(Xây dựng) - Nằm trong quần thể di tích Phố Hiến, Văn miếu Xích Đằng được khởi dựng từ cuối thời Lê ( Thế kỷ XVII – khoảng năm 1701), là biểu tượng cho nền văn hiến và tinh thần hiếu học có truyền thống lâu đời của người Hưng Yên.

Văn miếu Xích Đằng
Văn miếu Xích Đằng được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 20 (năm 1839) trên nền móng ngôi chùa cổ Nguyệt Đường. Tương truyền, chùa có 36 nóc do Hương Hải Thiền Sư khởi dựng năm 1701. Xét về quy mô, giá trị kiến trúc và các di vật còn lưu giữ được đây là một trong sáu Văn miếu còn tồn tại cho đến ngày nay trên cả nước.

Tam quan văn miếu
Trong quy hoạch tổng thể khuôn viên Văn miếu Hưng Yên được UBND tỉnh phê duyệt với diện tích gần 6ha bao gồm khu Văn miếu, khu chùa Nguyệt Đường, khu văn hóa khuyến học, dinh Hoàng Cao Khải, đền thờ Lạc Long Quân, phòng trưng bày truyền thống…
Sân văn miếu
Hai chiếc chuông và khánh tại Văn miếu là những di vật cổ được đúc và tạo dựng từ thế kỷ XVIII. Tiếng chuông, tiếng khánh được sử dụng trong các kì thi báo hiệu giờ thi bắt đầu và kết thúc. Ngày nay, vào mỗi dịp quan trọng của tỉnh nó cũng được vang lên để tỏ lòng biết ơn, tri ân tới các bậc hiền tà
Chuông chùa văn miếu năm 1804
Hiện vật quý giá nhất trong Văn miếu còn được lưu giữ đến ngày nay là 9 tấm bia đá ghi danh 161 vị đại khoa trong tổng số 228 vị khoa bảng của tỉnh, từ thời Trần đến thời Nguyễn thuộc trấn Sơn Nam xưa (tỉnh Hưng Yên có 138 vị, Thái Bình có 23 vị). 8 tấm bia dựng năm Đồng Khánh thứ ba (1888), 1 tấm dựng năm Bảo Đại thứ 18 (1943).
Bia đá - Nơi ghi danh các bậc hiền tài
Ngày nay, Văn miếu Xích Đằng trở thành trung tâm giáo dục thể hiện tinh thần “tôn sư trọng đạo”. Vào mỗi dịp Tết đến xuân về, các ngày mồng 4 và mồng 5 tháng giêng nơi đây lại diễn ra các hoạt động văn hóa như: tế lễ, dâng hương, triển lãm thư pháp, hát ca trù, cho chữ thánh hiền…. Văn miếu Xích Đằng là biểu tượng cho tinh thần hiếu học của tỉnh Hưng Yên, là một trong những điểm văn hóa du lịch tâm linh thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách khi đến với Phố Hiến – Hưng Yên.
Nguồn: Sưu tầm 
Read more…

Vài nét khái quát tỉnh Hưng Yên xưa và nay

20:59 |
Vài nét khái quát tỉnh Hưng Yên xưa và nay

Hưng Yên là tỉnh nằm ở trung tâm đồng bằng sông Hồng, diện tích tự nhiên 923,09 km².
Điều tra dân số năm 2009 tỉnh Hưng Yên có trên 1,1 triệu dân, với 161 xã, phường, thị trấn, 10 huyện, thành phố là: Thành phố Hưng Yên cùng các huyện: Kim Động, Ân Thi, Tiên Lữ, Phù Cừ, Khoái Châu, Yên Mỹ, Văn Lâm và huyện Văn Giang. Trung tâm hành chính của tỉnh đặt tại thành phố Hưng Yên nằm cách thủ đô Hà Nội 64 km về phía đông nam, cách thành phố Hải Dương 50 km về phía tây nam.
Phía bắc giáp tỉnh Bắc Ninh, phía đông giáp tỉnh Hải Dương, phía tây và tây bắc giáp thủ đô Hà Nội, phía nam giáp tỉnh Thái Bình và phía tây nam giáp tỉnh Hà Nam. Đây là vùng đất cổ, có truyền thống lịch sử và văn hiến lâu đời.
Bản đồ Hưng Yên
Tháng 10 năm 1831, dưới thời vua Minh Mạng, triều đình nhà Nguyễn chia các trấn phía bắc thành 18 tỉnh, hạt trong đó có tỉnh Hưng Yên được tách ra từ trấn Sơn Nam Hạ. Đến nay vừa tròn 180 năm. Song trước đó, vùng đất Hưng Yên đã có một bề dày lịch sử. Từ thời Hùng Vương dựng nước, cư dân đã biết trồng lúa, trồng dâu nuôi tằm dệt lụa, trồng đay dệt thảm, làm thuốc nam chữa bệnh. Đặc biệt khu vực thành phố Hưng Yên hôm nay, với thương cảng phố Hiến đã từng phát triển sầm uất trong suốt nhiều thế kỷ với câu ca: “Thứ nhất kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến”.
Vùng đất địa linh đã hun đúc lên nhiều thế hệ người Hưng Yên, hoà chung với truyền thống Việt, là tinh thần yêu nước, yêu quê hương, anh dũng kiên cường chống giặc ngoại xâm, giữ yên bờ cõi, xây dựng quê hương.
Từ vùng đầm lầy Dạ Trạch (nay thuộc huyện Khoái Châu), Triệu Việt Vương đã lập căn cứ đánh giặc Lương. Ngô Quyền chuẩn bị chiến thuyền, quân lương ở đất Kê Lạc (nay thuộc huyện Tiên Lữ) tiến đánh quân Nam Hán ở cửa Bạch Đằng năm 938, mở nền độc lập cho dân tộc. Kháng chiến chống quân Nguyên Mông dưới triều Trần, tại cửa Hàm Tử, huyện Khoái Châu đã bắt sống tướng giặc là Toa Đô. Nàng kỹ nữ Đào Nương quê ở thôn Đào Đặng, xã Trung Nghĩa, thành phố Hưng Yên ngày nay, diệt giặc bằng tiếng hát. Phạm Ngũ Lão, chàng trai nghèo đan sọt ở làng Phù Ủng, huyện Ân Thi nung nấu ý chí đánh giặc mà giáo đâm vào đùi không biết, sau trở thành danh tướng nước Việt.
Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, Nguyễn Thiện Thuật quê xã Xuân Dục huyện Mỹ Hào, lãnh tụ của phong trào khởi nghĩa Bãi Sậy. Hoàng Hoa Thám quê xã Dị Chế, huyện Tiên Lữ đã kháng chỉ triều đình, khởi nghĩa đánh thực dân, 30 năm can trường kháng Pháp tại núi rừng Yên Thế, tỉnh Bắc Giang. Tô Hiệu, người con ưu tú của quê hương Xuân Cầu, huyện Văn Giang, biến nhà tù đế quốc thành trường học cộng sản, Người nữ anh hùng Bùi Thị Cúc quê ở Vân Mạc, Vân Du, Ân Thi được Bác Hồ tặng 6 chữ vàng “ Sống anh dũng, chết vẻ vang”. Hưng Yên còn là nơi xuất xứ của phong trào nữ du kích Hoàng Ngân anh hùng gan dạ. Quân dân Hưng Yên đã làm lên những trận đánh và chống càn được Đại tướng tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp cho là mẫu mực như: trận chống càn Phan Tây Hồ, trận “tiếng sấm đường 5”, trận đánh đồn Bần, huyện Mỹ Hào, hay làng kháng chiến Tam Nông, huyện Tiên Lữ đã làm giặc pháp bạt vía kinh hồn.
Trong kháng chiến chống Mỹ, quân dân Hưng Yên tiếp tục đóng góp sức người, sức của với tinh thần “ thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” cùng cả nước đánh thắng giặc Mỹ, thống nhất đất nước.
Nếu người Việt có “tứ bất tử” thì Hưng Yên tự hào có chàng Chử Đồng Tử, tràng trai nghèo ở vùng đầm lầy Dạ Trạch (huyện Khoái Châu) đã kết duyên với công chúa Tiên Dung con gái vua Hùng. Để ngày nay lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung (ở xã Bình Minh và xã Dạ Trạch, huyện Khoái Châu) được tổ chức vào tháng 3 âm lịch hàng năm là lễ hội tình yêu và giàu tính nhân văn. Hưng Yên còn tự hào có chàng Tống Trân và nàng Cúc Hoa nhân nghĩa, thuỷ chung và hiếu thảo, được nhân dân ngưỡng mộ, lập đền thờ ở xã Tống Trân, huyện Phù Cừ.
Hưng Yên là tỉnh đứng thứ 2 cả nước có nhiều di tích được xếp hạng cấp quốc gia, với hơn 130 di tích, trong đó có nhiều di tích lịch sử nổi tiếng như: Văn miếu Xích Đằng, một trong 6 văn miếu còn tồn tại trong cả nước, cụm di tích phố Hiến, cụm di tích Đa Hoà - Dạ Trạch, cụm di tích Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác… Cùng nhiều làng khoa bảng như: Phú Thị, xã Mễ Sở, Văn Giang; Thổ Hoàng, huyện Ân Thi; Liêu Xá, huyện Yên Mỹ; Lạc Đạo, huyện Văn Lâm; Hưng Đạo, huyện Tiên Lữ .v.v. Hưng Yên là vùng đất có truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo. Cũng từ truyền thống ấy, mà trong những triều đại phong kiến trước đây, tỉnh Hưng Yên có số người đỗ đạt đứng thứ 3 toàn quốc, nay còn được lưu danh ở văn miếu Quốc Tử Giám Hà Nội và văn miếu Xích Đằng, thành phố Hưng Yên.
Người Hưng Yên cũng là quê ngoại của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở thôn Vân Nội, xã Hồng Tiến, huyện Khoái Châu, là quê hương của cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, kiến trúc sư tài ba trong công cuộc đổi mới đất nước, cùng nhiều văn nghệ sỹ, tướng lĩnh và trí thức lớn như: Kinh sư đại doãn Nguyễn Trung Ngạn, Hồng Hà nữ sĩ Đoàn Thị Điểm, đại danh y Lê Hữu Trác, tiến sĩ, thi sĩ Chu Mạnh Trinh, giáo sư Dương Quảng Hàm, nhà văn Vũ Trọng Phụng, nhà văn Nguyễn Công Hoan, họa sĩ Tô Ngọc Vân, nhà thơ Phạm Huy Thông, soạn giả chèo Nguyễn Đình Nghị, vị tướng huyền thoại trung tướng Nguyễn Bình, đại tướng Nguyễn Quyết, thượng tướng Hoàng Minh Thảo, …và nhiều nhà khoa học, nhà báo, nhà giáo nổi tiếng đang công tác, sinh sống ở mọi miền đất nước.
Hưng Yên là nơi có đại công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải vào cuối những năm năm mươi và đầu những năm sáu mươi, là một trong những tỉnh làm thủy lợi khá nhất được Bác Hồ khen thưởng. Trong phong trào làm thủy lợi đã hiện nhiều kiện tướng, anh hùng lao động như: anh hùng lao động Phạm Thị Vách ở huyện Kim Động, anh hùng Nguyễn Thị Tỵ ở huyện Tiên Lữ. Trong 10 lần Bác Hồ về thăm Hưng Yên, thì có tới 8 lần Bác đến thăm các công trình thủy lợi.
Thời kỳ bao cấp, Hưng Yên là tỉnh trồng nhiều đay nhất cả nước (khoảng 6.000ha) cung cấp một nguồn nguyên liệu đáng kể cho sản xuất thảm của cả nước. Do chuyển đổi cơ cấu cây trồng và các nguyên liệu khác thay thế, đến nay diện tích trồng đay thu hẹp đáng kể.
Năm 1968, tỉnh Hưng Yên sáp nhập với tỉnh Hải Dương thành tỉnh Hải Hưng. Sau 30 hợp nhất, năm 1997 tỉnh Hưng Yên được tái lập.
Phát huy truyền thống của quê hương văn hiến, cách mạng, trong công cuộc đổi mới đất nước, người Hưng Yên lại tiếp tục vươn lên. Kể từ khi tái lập tỉnh, sau 14 năm tái lập kinh tế xã hội phát triển cao, tốc độ phát triển kinh tế hàng năm đạt trên 12%, thu ngân sách năm 2010 đạt trên 3.300 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt 1.200 USD/năm. Toàn tỉnh đã quy hoạch 14 khu công nghiệp, thu hút hơn 800 dự án đầu tư, đưa Hưng Yên trở thành tỉnh có tốc độ phát triển công nghiệp nhanh trong cả nước.
Phát huy thế mạnh trung tâm đồng bằng châu thổ sông Hồng, Hưng Yên luôn coi trọng phát triển nông nghiệp với những vùng chuyên canh lúa cao sản và lúa chất lượng cao. Vùng chuyên canh cây đặc sản, đặc trưng như: nhãn lồng ở thành phố Hưng Yên, huyện Tiên Lữ, Phù Cừ, Khoái Châu… cùng những trang trại chăn nuôi lợn, bò thịt, bò sữa, thả cá, nuôi ong lấy mật. Những vườn trại, những cánh đồng chuyên canh trồng cây ăn quả, hoa cây cảnh ở huyện Văn Giang, Khoái Châu, Yên Mỹ cho giá trị từ 150 triệu đồng đến 300 triệu đồng/ha canh tác.
Nói đến Hưng Yên là nói đến quê hương của nhãn lồng nổi tiếng được tập trung trồng ở các vùng đất ưu đãi cho loại cây đặc sản này là thành phố Hưng Yên, huyện Tiên Lữ, huyện Phù Cừ, huyện Kim Động và huyện Khoái Châu. Ngoài nhãn lồng, Hưng Yên còn là quê hương của các loại sen mà tiêu biểu là sen trắng. Hưng Yên cũng là vùng đất nuôi nhiều ong lấy mật mà trong đó mật ong hoa nhãn là một đặc sản riêng của tỉnh Hưng Yên.
Phát huy lợi thế nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, giáp với thủ đô Hà Nội, Hưng Yên có hệ thống cơ sở hạ tầng, đường giao thông thuận lợi và đồng bộ đường thủy có tuyến sông Hồng bao phía tây tỉnh, sông Luộc bao phía nam tỉnh. Ngoài đường sắt Hà Nội- Hải Phòng đi qua phía bắc tỉnh, hệ thống đường bộ tính theo chiều dọc có quốc lộ 39, đường 200 đang được nâng cấp, đường liên tỉnh ( Dân Tiến- cầu Thanh Trì- Hà Nội), đường ven đê sông Hồng. Đặc biệt đường cao tốc nối đường cao tốc quốc lộ 1 với cao tốc quốc lộ 5 sẽ thi công. Chiều ngang tỉnh có đường quốc lộ 5 hiện có, quốc lộ 38A sẽ nâng cấp và quốc lộ 38B đã nâng cấp.
Hưng Yên lại là tỉnh có truyền thống lịch sử và văn hiến lâu đời, người dân năng động, sáng tạo, giàu lòng nhân ái… Những tiềm năng này cùng với cơ chế chính sách thông thoáng, nhất định Hưng Yên sẽ sớm trở thành tỉnh công nghiệp trước năm 2020 và là tỉnh mạnh của cả nước theo tinh thần nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII (nhiệm kỳ 2011-2015) đã đề ra.                                                                                                                                                                            
Nguồn:Hưng Yên TV
Read more…

10 MÓN NGON VANG TIẾNG CỦA HƯNG YÊN

20:14 |
10 MÓN NGON VANG TIẾNG CỦA HƯNG YÊN

Đất 'Phố Hiến' không chỉ có tương Bần, nhãn lồng mà còn rất nhiều đặc sản khác mà chỉ cần thưởng thức qua một lần sẽ nhớ mãi không quên.

  • Những món đặc sản dân dã, đượm tình đất Tổ
  • 10 món ngon có tiếng của vùng quê Bắc Giang
  • Làng nghề làm hương hai trăm năm tuổi ở Hưng Yên

1. Tương Bần

Tương bần dùng để chấm bánh đúc ngon tuyệt.
Tương bần dùng để chấm rau luộc hay bánh đúc ngon tuyệt.
Từ xa xưa tương Bần Hưng Yên là thứ sản vật ngon dùng để tiến vua. Ngày nay, tương Bần vẫn nổi tiếng khắp nơi và trở thành một loại nước chấm đặc sản khiến nhiều người “mê mẩn”. Chỉ cần gạo nếp cái hoa vàng, đỗ tương và muối là đã có thể làm tương. Ba công đoạn chính là lên mốc xôi nếp, ngả đỗ và phơi tương (ủ tương). Tương Bần Hưng Yên có hương vị khó diễn giải. Cái vị ấy ẩn dưới độ sánh rất đậm đà, chìm trong vị ngọt ngon đặc trưng.

2. Bún thang lươn
Khác với Hà Nội, bún thang lương Hưng Yên rất lạ miệng.
Khác với Hà Nội, bún thang của người Hưng Yên còn có thêm lươn rất lạ miệng.
Nhắc đến đặc sản Phố Hiến, phải nói đến bún thang lươn. Bát bún như một thang thuốc quý bồi bổ cho sức khỏe và như bức tranh nghệ thuật sống động với đủ màu sắc của bún, lươn, trứng, giò, hành, răm… Người thưởng thức ẩm thực sành điệu sẽ tấm tắc khi cảm nhận vị ngọt đậm đà của nước dùng.

3. Nhãn lồng

Nhãn lồng trái to, ngon tuyệt.
Nhãn lồng trái to, cùi dầy, ngọt thơm.
Cùng với tương Bần, nhãn lồng trở thành niềm kiêu hãnh của mảnh đất Hưng Yên. Tháng 7-8 đang là mùa nhãn lồng Hưng Yên chín rộ. Nhãn lồng Hưng Yên quả to tròn, vỏ có màu vàng nâu nhạt, cùi dày, ráo nước, bóc một lớp vỏ mỏng láng để lộ lớp cùi nhãn dày trắng ngà, bên trong là hạt nhỏ màu đen nháy, đưa vào miệng nếm thử có vị ngọt thơm, giòn dai.

4. Bánh cuốn

Bánh cuốn Phú Thị.
Bánh cuốn Phú Thị ngon lạ so với nhiều vùng khác.Không nổi tiếng bằng bánh cuốn Thanh Trì, không ồn ào như bánh cuốn trứng Cao Bằng, bánh cuốn Phú Thị lặng lẽ hơn nhưng đã nếm thử thì không thể quên. Lớp vỏ bánh không bóng bằng nơi khác vì nó không được bôi một lớp mỡ mỏng. Lớp nhân cuộn bên trong lá bánh cũng đặc biệt với thịt lợn nạc băm nhỏ xào với hành khô. Bát nước chấm thêm một chút nhân thịt băm trở nên đậm đà và đẹp mắt hơn. Ăn một lần sẽ nhớ mãi miếng bánh mềm mịn cùng với vị bùi thơm.

5. Gà Đông Tảo
Gà Đông Tảo chân to đặc biệt.
Là giống gà quý chỉ có ở huyện Khoái Châu, gà Đông Tảo còn được gọi là gà chân voi đôi chân to sần sùi như chân voi, thân hình chắc nịch. Giống gà này rất khó nuôi, đòi hỏi phải kỳ công chăm sóc và gà càng già càng quý, thịt ăn thường có mùi vị thơm ngon đặc trưng không lẫn với bất kỳ loại gà nào. Gà Đông Tảo có thể được nấu thành nhiều món, nhưng độc đáo nhất là món “vảy rồng hầm thuốc bắc” làm từ đôi chân to quá khổ của chúng.

6. Giò bì


Giò bì giòn sần sật.
Nhắc đến đặc sản Hưng Yên, người ta sẽ nghĩ ngay đến món giò nổi tiếng - giò bì phố Xuôi. Giò bì có độ giòn và dai đặc trưng nên rất thích hợp để nhâm nhi trên bàn tiệc.

7. Bánh dày làng Gàu


Bánh dày làng Gàu từ xưa đã có tiếng.
Từ bao đời nay, bánh dày làng Gàu đã được xếp ngang với tương Bần. Bánh được làm từ gạo nếp cái hoa vàng, gạo vo kỹ, ngâm với nước sạch và đồ chín. Nhân bánh là đỗ xanh đãi sạch vỏ, thổi chín, giã nhuyễn, nắm thành từng nắm nhỏ. Nếu làm bánh mặn thì dùng nhân thịt nạc, làm bánh ngọt, trộn đỗ xanh với đường cát.

8. Ếch om
Ếch òm ngon tuyệt.
"Đi thì nhớ vợ cùng con/ Về nhà lại nhớ ếch om Phượng Tường". Những chú “gà đồng” này có thể dùng để chế biến thành hai món là ếch om và ếch mọc. Nhưng món ếch om mới ngon và làm nên thương hiệu ở Hưng Yên.

9. Cá mòi


Cá mòi chỉ có tháng 2 và 3 âm lịch.
Người Hưng Yên rất tự hào với đặc sản cá mòi. Dù đi làm xa hay khách ẩm thực ở các tỉnh, thành lân cận cứ tháng hai, tháng ba âm lịch hàng năm lại tìm về Hưng Yên để được thưởng thức món đặc sản hấp dẫn này.

10. Chả gà

Chả gà đắt nhưng đáng đồng tiền.
Sẽ thật thiếu sót khi không nhắc đến một món ăn đậm đà hương quê - chả gà Tiểu Quan. Gắp miếng chả gà giòn thơm, nhấp thêm chút rượu cay thực khách sẽ không quên món ăn dân dã này.
Read more…

Chùa Chuông Hưng Yên

20:57 |
Chùa Chuông Hưng Yên

Tôi đến chùa Chuông Hưng Yên vào một ngày đầu đông. Đã đi qua những địa điểm như đền Mẫu, đền Đức Thánh Trần, chùa Hiến, văn miếu Xích Đằng… nhưng ấn tượng nhất ở Hưng Yên vẫn là chùa Chuông (hay còn gọi là Kim Chung Tự). Ở đây tôi tìm thấy bình an và nét cổ kính (điều dần mất ở những ngôi chùa mới). Được xây dựng vào thời hậu Lê (thế kỷ 17) và giữ được tới tận ngày hôm nay. Chùa Chuông sẽ là địa điểm đầu tiên tôi giới thiệu với bạn khi bạn hỏi tôi về Phố Hiến, về du lịch Hưng Yên. Tôi đã có những trải nghiệm tâm linh vô cùng thú vị ở đây.
Cùng ghé thăm chùa Chuông Hưng Yên qua ảnh nhé:

chùa chuông hưng yên

(Ảnh chùa Chuông năm 2014)

Chùa Chuông hay còn có tên gọi khác là Kim Chung Tự, nằm ở thôn Nhân Dục, phường Hiến Nam, thành phố Hưng Yên. Chùa Chuông nằm trong quần thể di tích phố Hiến xưa, từng được mệnh danh là “Phố Hiến đệ nhất danh lam”. Xây dựng từ thời Lê (thế kỷ XV) và trải qua cuộc trung tu lớn vào thời năm 1707 tạo nên ngôi chùa hoàn chỉnh như ngày nay. Có thể thấy được nét cổ kính và những hoa văn, kiến trúc thời Hậu Lê rõ rệt trên cánh cổng và mái cổng Tam Quan.
Bước vào cổng Tam quan bạn sẽ thấy con đường được lát đá xanh trải dài tới tận nhà Tiền đường, Thiên hương, Thượng điện.  Ngay bên dưới là những bậc cầu thang dẫn tới cây cầu đá bắc qua ao “mắt rồng”. Cây cầu này được xây từ năm 1702. Hai bên ao trồng nhiều hoa súng.
Những cây hoa súng trên ao mắt rồng.


                                                     
                                                              ( Ảnh chùa chuông 2014)

Toàn cảnh từ trong sân nhìn ra cổng Tam quan. Hai bên đường có tượng lân đá.
Phía mặt trước của chùa, con đường đá xanh dẫn vào tiền đường. Xung quanh sân là cây cối xanh tươi, thoáng mát, trong lành.



                                                             ( Ảnh chùa chuông 2014)

Bước qua cánh cửa Tiền đường bạn sẽ thấy giữa sân một cây cột nhang cổ. Phía giữa là Thượng điện.


                                                         (Ảnh chùa chuông 2014)
Hai bên là dãy hành lang với những pho tượng lớn nhỏ rất đẹp, nổi bật là 18 vị la hán.


(Ảnh chùa chuông 2014)
18 vị la hán.
                                 
                                                          (ảnh chùa chuông 2014)
Và những bức tranh tường nói về địa phủ.

                                                             (Ảnh chùa chuông 2014)
Cuối hai bên dãy hành lang là cầu thang lên tháp chuông cổ, tháp khánh cổ.

                                                           (Ảnh chùa chuông 2014)
Khánh đá

                                                         (Ảnh chùa chuông 2014)
Ngay bên dưới hai tòa tháp chuông và khánh là gian thờ Mẫu.

                                                   
                                                           (Ảnh chùa chuông 2014)
Phía sau chùa là nhà thờ Tổ với rất nhiều tượng quan âm bằng đá.

                                                             ( Ảnh chùa chuông 2014)
Ngoài ao mắt rồng trong khuôn viên sân chùa còn có hồ nước

                                                   ( Ảnh chùa chuông 2014)
Cùng những di tích cổ



                                                           (Ảnh chùa chuông 2014)
Cùng tháp thờ

                                                              (Ảnh chùa chuông 2014)
Chùa được xây dựng với hoa văn, kiến trúc cổ thời Hậu Lê.

                                                          ( Ảnh chùa chuông 2014)
Nét đặc sắc của ngôi chùa cổ kính này là hệ thống các pho tượng Phật độc đáo được chế tác rất tinh xảo từ đất sét. Nổi bật là Bát bộ Kim Cương, 18 bức tượng La Hán, 4 bức tượng Bồ tát chạy dọc theo hai dãy hành lang. Các pho tượng đượctạo tác rất công phu, điêu luyện, mỗi pho tượng có một tư thế, dáng vẻ riêng và có biểu cảm khác nhau.
Read more…

Du lịch

19:52 |

Du lịch

Du lịch Hưng Yên
Tiềm năng dịch vụ du lịch cũng ngày càng được các doanh nghiệp khai thác hiệu quả. Thành phố hiện có 6 doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực khách sạn, nhà hàng, nhiều dự án có giá trị đầu tư lớn như: Trung tâm hội nghị quốc tế Sơn nam Plaza, khách sạn Phố Hiến, khách sạn Thái Bình…. Cùng với quần thể di tích Phố Hiến với 128 di tích, lễ hội văn hoá dân gian Phố Hiến đang được khôi phục, tôn tạo, thu hút du khách đến với hoạt động du lịch tâm linh. Hàng năm thành phố đón hàng triệu lượt khách trong và ngoài nước, doanh thu khách sạn, nhà hàng và dịch vụ du lịch đạt trên 100 tỷ đồng.

Nhà hát Chèo Hưng Yên là đơn vị nghệ thuật chèo chuyên nghiệp, nơi lưu giữ bảo tồn những giá trị văn hóa tiêu biểu của phố Hiến.

Để tạo nên những điểm nhấn phát triển thương mại dịch vụ, lưu giữ, phát huy những bản sắc của thành phố vốn hưng thịnh, yên bình, các cấp, ngành của tỉnh đang chung tay đầu tư tôn tạo quần thể di tích Phố Hiến, cảng đón khách và đặc biệt là khu chợ Phố Hiến. Hiện thành phố đang xúc tiến đầu tư xây dựng khu đô thị Đại học Phố Hiến và trung tâm dịch vụ thương mại tổng hợp, khu mua sắm, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khoẻ bằng những sản vật vốn có của Hưng Yên.[11].

Một số đặc sản của thành phố Hưng Yên là nhãn lồng, mật ong, long nhãn, hạt sen, bún thang






Read more…

Lễ hội đình Bồng Châu - xã Phú Cường - thành phố Hưng Yên

19:28 |
Lễ hội đình Bồng Châu - xã Phú Cường - thành phố Hưng Yên

Ngày 8.2, xã Phú Cường (thành phố Hưng Yên) tổ chức lễ hội Đình Bồng Châu năm 2014.

Đình Bồng Châu nằm ở bãi giữa sông Hồng, thuộc địa phận thôn Bồng Châu, xã Phú Cường. Theo thần phả, từ xa xưa một nhóm người dân khu Thanh Xuân, nay là thôn Mai Xá, xã Song Mai (Kim Động) đã dựng đình, rước thánh từ quê cũ ra để thờ cúng với mong muốn cầu cho mưa thuận, gió hòa, đồng ruộng tốt tươi, làm ăn thuận lợi. Hiện nay, đình thờ 15 vị Thành hoàng có công giúp nước, trong đó có 11 vị là nam thần và 4 vị là nữ thần. Đình có kiến trúc kiểu nội công ngoại quốc bao gồm: đại bái, ống muống, hậu cung và hai dãy dải vũ. Ngoài ra đình còn lưu giữ rất nhiều hiện vật có giá trị về mặt mỹ thuật cũng như lịch sử như: các bức đại tự, câu đối, kiệu bát cống, kiệu song loan thời Lê, hệ thống ngai, bài vị thời Lê và một đôi hạc gỗ thời Hậu lê - đây là hiện vật quý hiếm của tỉnh Hưng Yên. Đặc biệt, đình xưa kia có trên 120 đạo sắc phong, trải qua thời gian và biến cố lịch sử, một số sắc phong đã bị mất và hư hỏng, tới nay chỉ còn lưu giữ 69 đạo sắc có niên đại từ thời Lê đến thời Nguyễn. Có thể nói, Đình là di tích lưu giữ số lượng sắc phong nhiều nhất của tỉnh. Nằm về phía Đông Nam của đình còn có đền Mẫu thờ Tam vị thánh Mẫu: Hồng Nương, Kha Nương và Mẫu Liễu Hạnh.

Với những giá trị lịch sử, văn hóa, mỹ thuật đặc sắc, tiêu biểu, năm 1994, đình Bồng Châu được công nhận là di tích lịch sử nghệ thuật cấp quốc gia.

Để tưởng nhớ công lao của các vị Thành hoàng, hàng năm nhân dân thôn Bồng Châu đều tổ chức lễ hội vào các ngày mùng 9, 10 tháng Giêng, 10 tháng 3 và ngày 10 tháng 11 âm lịch. Năm nay, cùng với việc tổ chức lễ hội, đình còn tổ chức lễ kỷ niệm 20 năm đón bằng công nhận di tích lịch sử văn hóa.
Lễ hội được tổ chức với hai phần, phần lễ và phần hội. Phần lễ có các hoạt động như: rước kiệu thánh, rước kiệu nước, trong đó rước kiệu nước được tổ chức 5 năm 1 lần. Kiệu rước nước đi vòng quanh làng, sau đó đến ngã ba sông Giáng, xuống thuyền ra giữa dòng lấy nước đem về cúng tế quanh năm. Phần hội bao gồm các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao như: Chơi cờ tướng, bóng chuyền, hát quan họ giao lưu…
                                                                                                               
                                                                                                                             Thu Trang - Công Hiếu
Read more…